Bóng Đá – Yêu Cầu Thể Lực Chung & Riêng Ở Từng Vị Trí (Phần 3/3)

Posted on January 30, 2018 by Cao Cuong Le

Phần 1 Giới Thiệu Các Hệ Thống Năng Lượng Trong Cơ Thể

Phần 2 Phát Triển Các Hệ Thống Năng Lượng Trong Cơ Thể


Ở phần 1 và phần 2, chúng ta đã bàn về mặt lí thuyết cũng như thực tiễn trong việc phát triển các hệ thống năng lượng trong cơ thể. Sự cụ thể và thành công trong việc chuẩn bị thể lực cho từng bộ môn sẽ phụ thuộc vào sự am hiểu của bạn/HLV về nhu cầu thể chất, hệ thống năng lượng chủ đạo của môn thể thao ấy.

Chúng ta cũng đã nói sơ qua về đặc điểm thể chất chung của một số môn thể thao thông dụng.

Ở phần 3, chúng ta sẽ đi sâu hơn về bóng đá. Bài viết bao gồm thông tin liên quan đến yêu cầu thể lực (sức mạnh, sức bền và các hệ thống năng lượng) chung và riêng của từng vị trí, cũng như 1 số kế hoạch phát triển cơ bản theo tư duy chủ quan của mình.

I. Đặc Điểm Thể Chất Chung Của Bóng Đá

Đầu tiên, hãy nhìn lại bảng yêu cầu thể chất ở một số môn thể thao thông dụng:

Xin nhắc lại từ phần 2: trên biểu bồ, bóng đá (soccer) nằm giữa khu vực Oxidative và Glycolytic, nghĩa là đa số các hoạt động của nó nằm trong khu vực này (chạy ở cường độ trung bình – thấp, xen kẽ với cường độ trung bình – cao, liên tục trong thời gian dài). Tuy nằm xa khu vực Phosphagen (ATP-PC), nhưng chính những hoạt động dựa vào hệ thống này (cường độ cực cao) như tranh chấp, bứt tốc, bật nhảy đánh đầu, va chạm … mới là chìa khoá quyết định kết quả của một trận đấu. Vì thế, nếu nói bóng đá chỉ yêu cầu sức bền mà không cần tập luyện cho những hoạt động yêu cầu sức mạnh và sự bùng nổ, chúng ta sẽ không thể giúp vận động viên có được sự chuẩn bị thể lực tối ưu nhất, đặc biệt là ở 1 vài vị trí cụ thể mà mình sẽ đi sâu hơn trong bài viết này.

Bóng đá là một môn thể thao với phạm vi cường độ hoạt động khá rộng. Có những lúc, cầu thủ chỉ đi bộ, thư giãn hoặc chạy nhẹ nhàng. Nhưng cũng có những lúc, cầu thủ phải hoạt động ở cường độ cực cao. Còn lại, phần đa số các chuyển động đều nằm ở cường độ trung bình (phân loại sâu hơn sẽ là trung bình-cao, trung bình-thấp).

Theo số liệu thống kê, trong mỗi trận đấu, cầu thủ bóng đá thường di chuyển khoảng 9-11 km. Tuy nhiên, nếu một người có thể chạy được 11 km trong vòng 90 phút không có nghĩa là anh ta đáp ứng được nhu cầu thể chất từ môn thể thao này. Nên nhớ, trong 11 km các cầu thủ di chuyển, không phải chỉ có chạy bền, mà còn xen kẽ với tăng tốc, chạy nhanh, bật nhảy, va chạm, tì đè, vâng vâng … Và chính những hoạt động ở cường độ cực cao này mới là nguyên nhân đằng sau sự tuột dốc thể lực không phanh trong bóng đá. Việc phát triển khả năng chạy bền (hệ thống Oxidative) thực ra cũng chỉ đóng vai trò giúp đẩy nhanh quá trính hồi phục cho các hoạt động cường độ cao của cầu thủ, cũng như giúp họ có thể di chuyển vị trí, tuân thủ chiến thuật trên sân tốt hơn, chứ không thể trực tiếp giúp họ tăng khả năng kết liễu đối thủ.

Tóm lại, bóng đá là một môn thể thao với bản chất cách quãng, nên việc chuẩn bị thể lực bằng phương pháp cổ điển – chạy bền – sẽ không bao giờ đem lại sự hiệu quả tối ưu nhất. Thay vào đó, phải hiểu rõ yêu cầu thể chất chung của bóng đá và riêng ở từng vị trí, bao gồm sự khác biệt của thể lực (các hệ thống năng lượng) và nền tảng sức mạnh, thì mới có thể tạo ra những giáo án giúp các cầu thủ đạt được thể trạng tốt nhất.

II. Đặc Điểm Thể Chất Riêng Ở Từng Vị Trí

Hãy theo dõi bảng sau:

Đây là những con số cụ thể, thể hiện tầng suất và cường độ hoạt động ở 4 vị trí khác nhau, được lấy từ nghiên cứu năm 2010 (link ở phần cuối). Bảng thống kê này đã được chỉnh sửa, phân loại theo cách riêng của mình để dễ hiểu hơn cho người đọc.

Đầu tiên, theo bảng thống kế, chúng ta có thể thấy tiền đạo là vị trí phải hoạt động ở cường độ cao-cực cao (>90%) nhiều nhất trên sân. Hệ quả là họ thường xuyên chịu đựng mức áp lực rất “nặng” lên cơ thể, sự mệt mỏi tích tụ càng lúc càng lớn, dẫn đến hiện tượng sụt giảm năng suất hoạt động đáng kể khi trận đấu càng về cuối. Điều này được thể hiện qua việc họ hoạt động ở cường-độ-cao ít hơn và sử dụng các quãng nghỉ dài hơn so với ban đầu. Cụ thể, ở đầu hiệp 2, tiền đạo trong bài nghiên cứu này có thể duy trì hoạt động ở cường độ cao trong 9-30 giây; các quãng nghỉ chỉ tầm trung bình 4-6 giây. Tuy nhiên, về cuối trận đấu, điều hoàn toàn trái ngược diễn ra, anh ta chỉ duy trì cường-độ-cao được 3-6 giây và sử dụng quảng nghỉ đến tận 18-48 giây … ám chỉ sự mệt mỏi tích tụ trong cơ thể các tiền đạo là đáng kể hơn nhiều so với những vị trí khác.

Việc chuẩn bị thể lực cụ thể cho các tiền đạo để giúp họ giữ được năng suất hoạt động ở 20-30 phút cuối trận là 1 trong những mục tiêu quan trọng nhất ở vị trí này.

Đối với tiền vệ trung tâm, số liệu cho thấy đây là vị trí phải hoạt động ở cường độ trung bình – cao nhiều nhất trên sân. Các tiền vệ trung tâm thường có ít các hoạt động ở cường độ cực cao (chạy bứt tốc) và cũng ít các quãng nghỉ ở cường độ thấp (đứng yên/đi bộ) hơn những vị trí khác. Điều này cho thấy đây là một vị trí khá đặc thù khi cầu thủ buộc phải có khả năng chạy ở cường độ trung bình – cao (70-90%) liên tục, lập đi lập lại để theo được tốc độ của trận đấu. Một số liệu khác trong nghiên cứu cho thấy dù trận đấu trôi về cuối, các quãng nghỉ của vị trí tiền vệ cũng không bị kéo dài như vị trí tiền đạo; điều này ám chỉ các tiền vệ phải có khả năng phục hồi ở cường độ trung bình – thấp (50-70%). Đối chiếu với thực tế chúng ta cũng có thể hình dung được, tiền vệ trung tâm là vị trí gần như không có nhiều thời gian để đi bộ (cường độ thấp), mà phải luôn di chuyển, ít nhất là cũng phải chạy “lúp xúp” ở cường độ trung bình-thấp (50-70%).

Do có ít các hoạt động ở cường độ cao-cực cao, các tiền vệ có xu hướng chịu ít áp lực lên cơ thể hơn vị trí tiền đạo. Vì thế họ không bị sự mệt mỏi tích tụ lớn như tiền đạo. Điều này có nghĩa là ở những phút cuối, nếu tình huống hợp lí, các tiền vệ vẫn có khả năng bứt tốc ở cường độ cực cao, thậm chí hiệu quả hơn so với tiền đạo. Cụ thể trong bài nghiên cứu, cầu thủ tiền vệ có khả năng chạy bứt tốc ở cường độ cực cao ít nhất 3 lần trong 10 phút cuối cùng. Hiểu được điều này sẽ có lợi về mặt chiến thuật cho các huấn luyện viên.

Việc chuẩn bị thể lực cụ thể cho vị trí tiền vệ trung tâm để giúp cầu thủ chạy ở cường độ trung bình-cao (70-90%) một cách hiệu quả, và đủ khả năng phục hồi ở cường độ trung bình–thấp (50-70%) là một trong những mục tiêu quan trọng nhất ở vị trí này.

Đối với trung vệ, đây là vị trí hoạt động ở cường độ trung bình-thấp (chạy chậm) và cường độ thấp (đi bộ) nhiều nhất trên sân. Thời gian hoạt động ở cường-độ-cao của trung vệ ngắn hơn rất nhiều so với tiền đạo, tiền vệ trung tâm và cả tiền vệ/hậu vệ biên. Cụ thể, các hoạt động cường độ cao ở vị trí này thường chỉ gói gọn khoảng trung bình là 3 giây. Trong khi các quãng nghỉ ở cường độ trung bình thấp và thấp thường kéo dài khoảng 12-45 giây xuyên suốt trận đấu.

Có thể nói, trung vệ là vị trí ít đòi hỏi “thể lực” nhất trên sân. Họ ít phải chạy nhanh và cực nhanh nhất, trong khi khoảng thời gian chạy chậm và đi bộ (quãng nghỉ) là dài nhất. Tuy chỉ đi bộ hoặc chạy chậm trong hầu hết thời gian của trận đấu, nhưng khi cần thiết, các trung vệ phải có sức mạnh và khả năng “tăng tốc” rất tốt để đối đầu với các tiền đạo đối phương. Không bàn sâu vào chuyên môn về khả năng phán đoán và cách chọn vị trí, sở hữu sức mạnh và sự bùng nổ tốt (hệ thống ATP-PC) khi tình huống bắt buộc phải thực hiện các hoạt động ở cường độ cao sẽ là chìa khoá thành công của một trung vệ, và cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề thắng thua của một đội bóng …

Việc chuẩn bị thể lực cụ thể cho vị trí trung vệ để giúp cầu thủ có khả năng hoạt động ở cường độ cao-cực cao một cách hiệu quả, có đủ sức mạnh, thăng bằng, khả năng tăng tốc và sự bùng nổ để tranh chấp tay đôi với đối phương là một trong những mục tiêu quan trọng nhất ở vị trí này.

Đối với tiền vệ/hậu vệ biên, đây là 2 vị trí có nhu cầu thể lực được xem là toàn diện nhất trên sân. Phạm vi cường độ hoạt động ở vị trí này khá cân đối khi số liệu cho thấy nó trải dài từ cao đến thấp. Điều này cho thấy một cầu thủ đá biên phải sẵn sàng cho mọi dạng hoạt động trên sân, với tầng suất (quãng đường di chuyển) khá lớn để theo được diễn biến của trận đấu. 1 thông số khác cho thấy, mặc dù ở phạm vi cường độ cao-cực cao (90-100%), tiền vệ biên không có nhiều hoạt động bằng tiền đạo hoặc tiền vệ trung tâm. Nhưng ở riêng phạm vi cực cao (>95%), tiền vệ biên lại thuộc hàng cao nhất, ám chỉ đây là vị trí sẽ phải chạy nước rút nhiều nhất trên sân (hệ thống ATP-PC).

Việc chuẩn bị thể lực cụ thể cho vị trí tiền vệ/hậu vệ biên để giúp các cầu thủ có khả năng hoạt động ở nhiều dạng cường độ khác nhau, với tầng suất lớn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất cho vị trí này. Ngoài ra, khả năng chạy ở cường độ cực-cao (>95% – hệ thống ATP-PC) cũng nên được chú trọng để phục vụ cho những pha leo biên hoặc hỗ trợ phòng ngự.

III. Kế Hoạch Phát Triển Thể Chất Cho Từng Vị Trí Cụ Thể

Khi đã hiểu được yêu cầu thể lực từ mỗi vị trí, cùng với những vấn đề, những hệ quả tiêu cực của nó đối với màn trình diễn của các cầu thủ, chúng ta sẽ biết được mỗi vị trí nên tập luyện riêng để phát huy những yếu tồ nào, và cần phải làm gì để khắc phục những hệ quả/vấn đề thường xảy ra.

Mình sẽ đưa 1 số hình ảnh so sánh giữa các vị trí thi đấu và 1 loài động vật cụ thể, để các bạn có thể dễ hiểu và hình dung …

1. Tiền Đạo = Báo Đốm

Tính chất: rất nhanh, mạnh, hoạt động hết công suất, cần thời gian phục hồi để thực hiện lại

Nhu cầu thể chất cho tiền đạo: nhanh, mạnh, hoạt động ở cường độ cao-cực cao, lập lại nhiều lần

Vấn đề thường thấy: sự mệt mỏi tích tụ => giảm năng suất đáng kể sau nhiều lần chạy

Để cải thiện khả năng chạy nhanh lập đi lập lại, phát triển hệ thống năng lượng Glycolytic với phương pháp Intensive Tempo Run là một lựa chọn tốt. Nếu không, sử dụng những phương pháp cường độ cao cách quãng (HIIT) khác cũng được.

Để xử lí vấn đề mệt mỏi tích tụ, một tiền đạo cần phải có khả nặng chịu đựng khối lượng vận động tốt (work capacity – đã được đề cập trong bài viết này – “Tầm Quan Trọng Của Sức Mạnh Trong Bóng Đá”). Work capacity có thể được phát triển khi hệ thống năng lượng Oxidative được cải thiện. Như đã nói, hệ thống Oxidative phục vụ chủ yếu cho nhu cầu hồi phục của cầu thủ. Hoạt động càng tốt, khả năng giải quyết sự thâm hụt oxy, xử lí axit lactate và cung cấp lại nguồn ATP dự trữ cho cơ bắp càng nhanh => rút ngắn quãng nghỉ, phục hồi nhanh hơn sau những hoạt động cường độ cao.

Sự mệt mỏi tích tụ cũng sẽ được giảm xuống khi cầu thủ có sức mạnh cơ bắp và khả năng va chạm tốt hơn (khái niệm về strength reserve – sức mạnh dự trữ – cũng đã được đề cập trong bài viết trên).

Ngoài giải quyết vấn đề về sự mệt mỏi tích tụ, nhu cầu về mặt thể chất của vị trí tiền đạo cũng cần một nền tảng sức mạnh và tốc độ rất tốt để tăng khả năng ghi bàn. Điều này có thể được phát triển bằng cách tập luyện sức mạnh và sự bùng nổ cho toàn thân, đặc biệt ưu tiên cho những nhóm cơ phần sau của thân dưới (posterior chain – mông và đùi sau) để tăng khả năng tăng tốc, lực sút và thăng bằng. Trap bar deadlift và Romanian deadlift là những lựa chọn hợp lý …

Nếu cầu thủ còn “mỏng cơm”, có thể chú trọng để phát triển cơ bắp (hypertrophy – cường độ thấp khối lượng cao). Nếu đã có thể hình tốt, thì việc tập luyện nên được chú trọng vào chất lượng và tốc độ chuyển động (power training – cường độ vừa, khối lượng vừa, thực hiện bài tập với sự bùng nổ/tốc độ nhanh nhất).

2. Trung Vệ = King Kong

Tính chất: bứt tốc nhanh, to cao và mạnh mẽ, khả năng chơi tay đôi tốt

Nhu cầu thể chất ở trung vệ: bứt tốc nhanh, bật nhảy tốt, tranh chấp tay đôi mạnh mẽ

Vấn đề thường thấy: hạn chế ở khả năng tăng tốc và khả năng hoạt động cường độ cao liên tục trong những tình huống cụ thể

Để cải thiện khả năng tăng tốc, mình đã viết 1 bài chi tiết ở đây!! Vì sao trung vệ lại cần khả năng tăng tốc chứ không phải tốc độ? Như các bạn thấy, trong bóng đá có rất nhiều tình huống bóng được phát lên bất chợt (xẻ nách, bóng dài …). Các tiền vệ và tiền đạo đối phương thường chạy băng lên từ phía sau => có đà. Trong khi trung vệ lại có xu hướng thụ động hơn (không có đà), nên họ phải có khả năng bứt tốc rất mạnh để có thể bắt kịp đối phương. Ví dụ, tiền đạo đối phương chạy ở vận tốc 70% rồi vọt lên 100%, trong khi trung vệ thường di chuyển ở vận tốc thấp hơn, và bất ngờ phải đuổi theo tiền đạo => không có đà => bắt buộc phải có khả năng tăng tốc rất nhanh nếu không muốn bị bỏ lại.

Để cải thiện khả năng hoạt động ở cường độ cao liên tục (dù không thường xuyên nhưng vẫn hay xảy ra đối với trung vệ, đặc biệt là khi liên tục bị phản công hoặc dồn ép …), việc phát triển hệ thống Glycolytic theo phương pháp Intensive Tempo là hợp lí. Nếu không, các dạng tập luyện cường độ cao cách quãng khác (HIIT – high intensity interval training) cũng có thể thay thế được.

Ngoài ra, để trở thành 1 trung vệ hang đầu, ngoài các kĩ năng đặc thù như phán đoán hoặc chọn vị trí, việc cải thiện thể hình và sức mạnh toàn thân cũng nên được chú trọng. Các bài tập phối hợp truyền thống như Squat, Deadlift, Overhead press, Pull up … đều là những lựa chọn tốt. Tương tự như tiền đạo, nếu chưa có thể hình đủ tốt (đa số), hãy chú trọng vào việc tăng sức mạnh và cơ bắp (myofibrillar hypertrophy). Nếu đã có thể hình tốt, thì chú trọng vào tập sức mạnh tốc độ và sự bùng nổ (Power training và Olympic lifting là những phương pháp hiệu quả).

Hệ thống Oxidative đã sẵn có trong hầu hết các buổi tập/thi đấu của toàn đội nên cũng không cần thiết phải tập riêng để “nâng cấp” thêm vì cơ bản trung vệ đã là vị trí có rất nhiều quãng nghỉ như đã phân tích ở trên.

3. Tiền Vệ Trung Tâm = Ngựa

Tính chất: hoạt động bền bỉ liên tục ở tốc độ cao

Nhu cầu thể chất ở tiền vệ trung tâm: hoạt động ở cường độ trung bình-cao bền bỉ, liên tục suốt trận đấu. Phải có khả năng phục hồi ở cường độ trung bình-thấp (chạy lúp xúp) vì tiền vệ trung tâm bắt buộc phải luôn di chuyển, không có nhiều thời gian đi bộ hoặc đứng yên.

Vấn đề thường thấy: không theo nổi nhu cầu thể chất vị trí hoặc không hoạt động hiệu quả bằng đối phương. Ví dụ, cùng là hoạt động ở cường độ trung bình-cao (70-90%), nhưng một cầu thủ “khoẻ hơn” sẽ hoạt động được lâu hơn, hiệu quả hơn (chạy nhanh hơn) và lập lại được nhiều hơn.

Để cải thiện khả năng hoạt động ở cường độ trung bình-cao, việc phát triển trực tiếp hệ thống Glycolytic là điều chắc chắn phải làm. Trong đó, phương pháp Intensive Tempo là một lựa chọn tốt.

Để cải thiện khả năng phục hồi ở cường độ trung bình-thấp, cầu thủ cần phải phát triển hệ thống Oxidative. Để đúng với bản chất cách quãng của bóng đá, Extensive Tempo có thể là một lựa chọn tốt hơn Continuous Run (chạy bền). Xem thêm ở phần 2!

Đối với việc rèn luyện sức mạnh, các cầu thủ tiền vệ trung tâm nên được chú trọng tập luyện sức mạnh toàn thân để cải thiện khả năng tranh chấp. Có thể sử dụng những bài tập phối hợp nhiều nhóm cơ như trap bar deadlift, weighted pull ups, bulgarian split squat, dumbbell rows và các bài tập bodyweight… ở cường độ và khối lượng vừa phải, chú trọng vào tốc độ phát lực, chứ không phải áp lực lên cơ bắp như việc tập thể hình. Ngoài ra, vì bản chất vị trí yêu cầu tầm hoạt động rất rộng, các tiền vệ trung tâm nên được tập trung phát triển sức mạnh và sức bền cho vùng thân trọng tâm (core – bao gồm những nhóm cơ sâu trong lưng dưới, bụng và mông) qua các bài tập side planks, palloff press, med ball slam ….

Cũng vì tầng suất và tầm hoạt động rất rộng, việc tập luyện nên được theo dõi và thiết lập cẩn thận để tránh việc phát triển cơ bắp quá đà. Khối lượng cơ thể không phải là sự ưu tiên cho vị trí này. Việc tăng khối lượng cơ thể 1 cách không hợp lí có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thi đấu của họ. Nên nhớ, phát triển sức mạnh và sự bùng nổ có sự liên quan, nhưng không nhất thiết là đồng nghĩa với sự tăng trưởng cơ bắp. Phát triển sức mạnh hệ thần kinh sẽ giúp cải thiện khả năng/tốc độ phát lực của cơ bắp. Không cần thiết phải tập cho cơ to ra. Mình sẽ viết về vấn đề này sâu hơn trong những bài viết khác …

4. Tiền Vệ/Hậu Vệ Biên = Linh Dương

Tính chất: chạy đường dài ở tốc độ tốt, bền bỉ cùng với khả năng đổi hướng bất thình lình

Nhu cầu thể chất ở tiền vệ/hậu vệ biên: toàn diện, nhanh, bền bỉ, bùng nổ, tầng suất chạy ở cường độ cực cao (>95% – tăng tốc/chạy nhanh hết sức) nhiều nhất trên sân.

Vấn đề thường thấy: không đáp ứng nhu cầu thể chất của vị trí hoặc không hoạt động hiệu quả bằng đối phương.

Để cải thiện “thể lực”, các tiền vệ/hậu vệ biên nên chú trọng vào sự phát triển của cả 3 hệ thống năng lượng. Về trình tự ưu tiên, mình cho là Glycolytic phải là số 1, Phosphagen (ATP-PC) và Oxidative có thể chia đều cho nhau.

Về mặt sức mạnh thể chất, các cầu thủ tiền vệ/hậu vệ biên có thể tập luyện tương tự như tiền vệ trung tâm (đã bàn ở trên – mục tiêu & nhu cầu như nhau, bao gồm cả việc không chú trọng vào phát triển cơ bắp).

Quan trọng nhất, để đáp ứng được nét đặc thù của vị trí này, với tầng suất hoạt động ở cường độ cực cao (chạy bứt tốc) nhiều nhất trên sân, các tiền vệ/hậu vệ biên nên được nghiêm túc chú trọng thêm vào việc phát triển khả năng tăng tốc. Mình đã viết đầy đủ, chi tiết vấn đề này ở đây!!

Cuối cùng, các cầu thủ chơi ở biên cũng nên tập thêm khả năng chạy đổi hướng bất thình lình (agility). Đây cũng là một khả năng khá quan trọng ở vị trí này, và có thể rèn chung với những buổi tập phát triển khả năng tăng tốc (ví dụ: thay vì tăng tốc từ vị trí tĩnh. Có thể chạy nhanh, nghe tiếng còi thì đồi hướng và tăng tốc trong phạm vi 20m)

IV. Kết Luận

Việc tập luyện thể chất không phải là vấn đề “trắng-đen”. Mà phải tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Đôi khi, chúng ta cũng cần phải nhìn vào hệ thống mà HLV trưởng muốn xây dựng để có thể quyết định xem mỗi vị trí nên phát triển như thế nào để phục vụ tốt nhất cho ý đồ chiến thuật.

Trong bóng đá hiện đại, các nghiên cứu đã chỉ rõ ra sự khác biệt về mặt thể chất ở các vị trí thi đấu khác nhau. Nếu chỉ tập luyện chung với toàn đội, cầu thủ sẽ không thể đạt được mức thể trạng tốt nhất, phù hợp nhất cho vị trí của mình.  Nhiều cầu thủ ngày nay đã có HLV thể lực để tập riêng, hết sức chuyên nghiệp với mục tiêu duy nhất là cố gắng tiệm cận đến tìm năng của mình, từ đó tạo ra những lợi thế nhất định để phát triển sự nghiệp.

Những năm gần đây, Sport-specific training trở thành 1 từ khoá, 1 xu hướng khá thịnh hành trong giới thể thao, ám chỉ việc tập luyện bổ trợ cụ thể, phù hợp với nhu cầu thể chất của 1 môn thể thao nhất định. Mình cho rằng Sport-specific training vẫn chưa đủ, mà Position-specific training (tập luyện bổ trợ cụ thể cho từng vị trí) mới là tương lai của việc chuẩn bị thể lực tối ưu nhất cho các vận động viên chuyên nghiệp.

Các bạn trẻ yêu thích bóng đá, thi đấu bán chuyên, cầu thủ chuyên nghiệp, bác sĩ/huấn luyện viên thể thao đều có thể sử dụng những thông tin này để tự tạo ra những kế hoạch phát triển thể lực hợp lí nhất …

Mình sẽ kết thúc bài viết vói video tập luyện của Rashford.  Dù video mang tính chất quảng cáo nhưng cũng thể hiện được phần nào cách tập luyện thực tế của các cầu thủ hàng đầu:

Thanks for reading 🙂

Mọi câu hỏi các bạn có thể để lại comment ở đây, trang facebook của Viet Sport Science hoặc send email trực tiếp cho mình  tại: cuong@lecao.rocks để được giải đáp thêm!!


Phần 1 Giới Thiệu Các Hệ Thống Năng Lượng Trong Cơ Thể

Phần 2 Phát Triển Các Hệ Thống Năng Lượng Trong Cơ Thể


 Bài nghiên cứu học thuật được sử dụng trong bài viết

No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *