Quan Điểm Về Chấn Thương Của Cầu Thủ Nguyễn Tuấn Anh (19/03/2018)

Posted on April 26, 2018 by Cao Cuong Le

(Bài viết được thực hiện và post trên trang Facebook của Việt Sport Science vào ngày 19/03/2018)


Vừa mới trở lại sân cỏ chưa được bao lâu thì Tuấn Anh lại dính thêm 1 chấn thương gối khác. Mặc dù đây là dạng chấn thương do va chạm (contact injury) và không thể lường trước được, mình sẽ chia sẻ 1 vài suy nghĩ cá nhân về trường hợp của Tuấn Anh.

Có 1 sự thật là một khi bạn đã đứt và mổ dây chằng ACL, thì dù là sử dụng miếng ghép từ gân Patella hay Hamstring thì khớp gối của bạn sẽ không bao giờ trở lại 100% được như trước. Bạn có thể vận động trở lại, thậm chí chơi thể thao đỉnh cao nếu ca phẫu thuật thành công và việc tập luyện phục hồi của bạn tiến triển tốt. Nhưng chắc chắn khớp gối sẽ ít nhiều mất đi sự ổn định như ban đầu, dẫn đến 1 số hệ luỵ khá phổ biến như:

– Tăng khả năng dính các chấn thương gối khác (đặc biệt là các chấn thương quá tải do mọi cấu trúc khác phải làm việc hiều hơn để đảm bảo sự ổn định, vốn đã không còn như trước)

– Tăng khả năng chấn thương dây chằng ở chân còn lại (các nghiên cứu cho rằng đứt dây chằng ở 1 gối sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nhận tín hiệu về cảm nhận – proprioception – của hệ thần kinh đối với gối còn lại => tăng khả năng “hỏng” luôn cả chân bên kia).

Trong trường hợp của Tuấn Anh, theo thông tin mình được biết thì cậu ấy đã phẫu thuật dây chằng ở cả 2 chân, và cách đây 1 năm thì lại bị rách sụn chêm ở 1 chân. Điều này có vẻ đúng với thông tin mình tìm thấy trong các tài liệu. Có thể chuỗi sự kiện này tất cả bắt đầu chỉ vì 1 chấn thương dây chằng thời trẻ, không được chăm sóc kĩ và sau đó kéo theo những hệ luỵ cho đến tận ngày hôm nay.

Tình trạng bây giờ của Tuấn Anh thật sự đáng lo ngại vì ngoài dây chằng, Tuấn Anh còn gặp vấn đề với Sụn Chêm (Meniscus), cũng là 1 cấu trúc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự ổn định cho khớp gối. Nếu Tuấn Anh đã phẫu thuật cắt bỏ 1 phần của nó thì sự ổn định, vốn đã thuyên giảm, nay lại còn tệ hơn. Khả năng dính các chấn thương kế tiếp liên quan đến gối là có thể lường trước. Kết quả là hôm nọ sau 1 pha va chạm với đồng đội, thì Tuấn Anh lại dính thêm 1 chấn thương khác, và lại liên quan đến khớp gối … Nếu không có cách tiếp cận khác, mình lo rằng mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng tệ hơn theo thời gian. Bản thân chất lượng cuộc sống của Tuấn Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng vì cho dù không đá bóng nữa, khả năng cậu ta bị thoái hoá khớp gối (osteoarthritis) sẽ cao hơn, và xảy ra sớm hơn so với người bình thường.

Cách đây 1 năm mình có nói chuyện với tiến sĩ Jay Ebert ở đại học UWA về 1 trường hợp mình gặp được khi thực tập ở một đội bóng trong thành phố. Đó là 1 cầu thủ trẻ, đứt dây chằng ACL, phẫu thuật thành công, tập luyện phục hồi rất tốt, vượt qua bài kiểm tra (Return-To-Sport checklist) để trở lại sân cỏ, hoàn toàn lấy lại được thể lực như ban đầu (có con số cụ thể) … nhưng khi vừa trở lại được vài tuần, thì tiếp tục đứt dây chằng thêm 1 lần nữa. Dr. Ebert chia sẻ rằng điều này không hiếm và cách tiếp cận của đội ngũ physio bên mình không cho thấy sự an toàn cần thiết. Có 3 lí do:

1- Đây là cầu thủ trẻ. Cậu ta không có áp lực phải thi đấu đỉnh cao. Vì thế không việc gì phải vội quay lại trong 6-9 tháng. Cậu ta cần thêm thời gian để phục hồi ở cường độ và khối lượng cao hơn để giảm rủi ro tái chấn thương xuống thấp nhất có thể.

2- Return to Sport checklist thật ra cũng chỉ là để tham khảo chứ không thể quyết định được cầu thủ ấy đã thật sự sẵn sàng quay lại thể thao hay chưa, vì còn nhiều yếu tố tác động bên ngoài. Quyết định thời gian quay trở lại thực sự phải dựa vào kinh nghiệm của chuyên viên trị liệu, hoàn cảnh cũng như bản thân của cầu thủ.

3- Một khi đã đứt dây chằng, khớp gối bạn sẽ không bao giờ có lại được sự ổn định như trước. Vì thế, đạt được mức thể trạng như ban đầu – lúc trước khi chấn thương – là KHÔNG ĐỦ. Cầu thủ đó thậm chí phải đạt được mức thể trạng TỐT HƠN cả trước khi chấn thương. Các nhóm cơ quanh khớp gối và hông phải mạnh hơn. Thể lực phải bền hơn. Nói chung bản thân phải khoẻ hơn so với ban đầu. Ngoài ra, cầu thủ đó nên được tập thật nhuần nhuyễn về kĩ thuật chạy, kĩ thuật nhảy-đáp nếu có thể. Tất cả mọi yếu tố trên được đảm bảo thì may ra mới an toàn để quay trở lại với thể thao chuyên nghiệp.

Đây là những chia sẻ mình rất tâm đắc. Quay trở lại với trường hợp của Tuấn Anh. Mình hy vọng bên phía HAGL sẽ có những tư vấn tốt liên quan đến việc tập luyện phục hồi, khả năng thi đấu và tình trạng chấn thương của cậu ta. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị thể chất thật sự tốt. Mình thấy Tuấn Anh đã “dày cơm” hơn hồi trước, đôi chân đã bớt “tong teo”, đó là 1 tín hiệu vui … Nhưng trước mắt còn nhiều việc phải làm!!

Khi khớp gối đã thiếu sự ổn định do các chấn thương, thì cơ bắp phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp. Vì thế, cải thiện sức mạnh cho những nhóm cơ quanh khớp gối và hông có vai trò cực kì quan trọng. Tập khả năng co thắt để phát lực (concentric), khả năng kéo giãn để hấp thụ lực (eccentric) và cả những bài thử thách sự ổn định/thăng bằng để cải thiện khả năng truyền tín hiệu cảm nhận (proprioception) ở khớp gối với hệ thần kinh sẽ giúp giảm rủi ro chấn thương đáng kể …

Về mặt chuyên môn, nếu có thể, mình nghĩ Tuấn Anh nên được tư vấn để chơi “bớt máu lửa” lại một chút nếu muốn kéo dài sự nghiệp. Thật sự nhìn cách Tuấn Anh tranh chấp, bản thân mình còn thấy lo giùm cho cậu ta 

Mình tin rằng nếu kiên trì, không bỏ cuộc và có cách tiếp cận tốt, trường hợp của Tuấn Anh vẫn có thể cứu vãn được. Nhưng để chơi bóng với tiềm năng tốt nhất thì e rằng hơi khó … Mình chỉ hy vọng Tuấn Anh đá được 80% khả năng đã là quá tuyệt vời rồi.

Đây là những suy nghĩ của mình về trường hợp của Tuấn Anh. Các bạn trẻ chơi thể thao đã từng/đang chấn thương dây chằng ACL hãy suy nghĩ thật kĩ về việc này. Phục hồi thật tốt, cải thiện thể trạng, tìm hiểu thông tin làm sao để chơi thể thao trở lại một cách an toàn nhất. Đừng phó thác cho may rủi. Quay lại với thể thao cường độ cao với cái gầu gối đã phẫu thuật, thể trạng không tốt, không có gì thay đổi trong kĩ thuật, không quan tâm đến khối lượng vận động, nghỉ ngơi, thì khả năng bình yên vô sự có lẽ là không cao …


 

No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *