Khoa Học Thể Thao là gì?
Khoa học thể thao là một bộ môn nghiên cứu cơ chế hoạt động của cơ thể người khoẻ mạnh khi vận động, và tác dụng của các hoạt động thể chất đối với sức khoẻ và thành tích thể thao, từ phạm vi tế bào cho tới toàn bộ cơ thể. Các nghiên cứu khoa học thể thao về cơ bản là sự tích hợp các lĩnh vực:
- Sinh lý học thể thao (exercise physiology)
- Tâm lí thể thao (sport psychology)
- Giải phẫu học (anatomy)
- Chuyển động học (movement science – biomechanics)
- Sinh hoá học (biochemistry)
Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học thể thao đã phát triển một lượng kiến thức lớn về cách cơ thể người phản ứng với vận động, các dạng tập luyện, môi trường, cũng như nhiều nhân tố kích thích khác nhau.
Nhu cầu cho các nhà khoa học, huấn luyện viên và cố vấn thể thao đang tăng dần theo xu hướng của thế giới đối với việc đạt thành tích tốt nhất có thể.
Vai Trò Của Khoa Học Thể Thao Đối Với Các Vận Động Viên?
2 mục tiêu lớn nhất của khoa học thể thao trong việc hỗ trợ các vận động viên là:
- Phát triển phong độ/khả năng vận động cần thiết cho môn thể thao cụ thể. Bao gồm:
- Tăng cường sức mạnh
- Tăng cường sự bùng nổ (sức mạnh áp dụng ở vận tốc cao)
- Cải thiện sức bền
- Phát triển các hệ thống năng lượng trong cơ thể (energy system)
- Cải thiện tốc độ
- Tăng cường độ linh hoạt của cơ bắp (flexibility) và xương khớp (mobility)
- Tăng cường khả năng chịu đựng khối lượng vận động (work capacity)
- Cải thiện thành phần cơ thể (tăng cơ giảm mỡ)
- Quản lí khối lượng vận động để đảm bảo sự tiến bộ tối đa và rủi ro chấn thương tối thiểu
- Phòng tránh chấn thương
- Phát hiện và chỉnh sửa sự mất cân bằng cơ bắp (phòng tránh các chấn thương quá tải)
- Cải thiện khả năng chịu đựng của cơ xương khớp (phòng tránh chấn thương khi bị đặt dưới áp lực lớn – vd: va chạm, chạy nước rút hoặc các hoạt động ở cường độ cực cao)
Đối với cá nhân, một HLV khoa học thể thao được đào tạo bài bản phải hiểu được vận động viên mình làm việc cùng, nhu cầu sinh lí và các chuyển động đặc thù của môn thể thao đấy, cũng như của riêng từng vị tri, giai đoạn thi đấu để tìm ra phương án tối ưu nhất cho mỗi vận động viên.
Đối với một câu lạc bộ, HLV khoa học thể thao có trách nhiệm giảm thiểu rủi ro chấn thương cho các vận động viên thông qua việc quản lí khối lượng vận động của toàn đội, sử dụng công nghệ cao (ví dụ như GPS) hoặc các phương pháp máy tính để cảnh bảo nguy cơ quá tải hoặc tình trạng thể lực kém của các vận động viên. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thể thao cũng như bằng chứng cụ thể, đội bóng nào có số lượng chấn thương ít hơn thường có xu hướng gắn kết hơn, chơi đồng đội, hiểu ý nhau và vận hành sơ đồ chiến thuật của HLV trường tốt hơn so với những đội có danh sách bệnh binh kéo dài. Leicester City mùa giải 2015-2016 lên ngôi vô địch thuyết phục, có sự đóng góp lớn từ khoa học thể thao qua việc giữ được các cầu thủ sung mãn và khoẻ mạnh suốt chiều dài của mùa giải. Các cầu thủ Leicester mùa giải năm đấy vận hành chiến thuật trơn tru, đồng bộ và cực kì ổn định do không có nhiều chấn thương ở các mắt xích quan trọng.
Khác Biệt Giữa Khoa Học Thể Thao Và Y Học Thể Thao?
Khoa học thể thao và y học thể thao có sự tương đồng ở điểm là chuyên gia trong cả 2 lĩnh vực đều tương tác chủ yếu với những vận động viên hoặc người chơi thể thao, và phải có kiến thức về giải phẫu học, cũng như cách thức hoạt động của cơ thể con người. Tuy nhiên, giữa 2 chuyên ngành sẽ có sự khác biệt như sau:
Một tổ chức/CLB cần phải có cả 2 chuyên ngành này để phối hợp chặt chẽ với nhau với mục tiêu cao nhất là giúp các vận động viên khoẻ mạnh, không chấn thương và có phong độ cao nhất. Mặc dù kiến thức nền là khá tương đồng, nhưng HLV khoa học thể thao không thể làm công việc của Bác Sĩ Y học thể thao và ngược lại.
“Y học thể thao”
“Khoa học thể thao”
Khoa Học Thể Thao Giúp Gì Cho Bạn?
Khoa học thể thao không chỉ đóng góp cho giới thể thao chuyên nghiệp và các vận động viên; mà còn là một lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.
Hãy nhìn xung quanh. Cái cách bạn tập luyện trong phòng gym, chế độ ăn uống như thế nào là hợp lí, dinh dưỡng làm sao cho khoẻ mạnh, chạy làm sao để cải thiện sức bền, phát triển thể chất, khả năng vận động, vâng vâng và vâng vâng … tất cả đều là đóng góp từ các nghiên cứu khoa học thể thao.
Một số được nghiên cứu được áp dụng chủ yếu cho các vận động viên, sau đó nếu thấy hữu dụng, thực tiễn thì lan toả cho mọi người trong cộng đồng, xã hội. Một số khác thì được nghiên cứu trên chính những người bình thường.
Ngày nay, truyền thông phát triển, để có được lượng view cao, các bài viết thường tối giản hoá vấn đề hoặc bóp méo kết quả các nghiên cứu học thuật để đưa ra những “lời khuyên” ngắn gọn, dễ hiểu cho người đọc. Đây cũng là nguồn cơn của rất nhiều bất cập khi đại đa số những người tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó của khoa học thể thao (thường là cải thiện vóc dáng, tăng cơ giảm mỡ) bị hiểu sai lệch hoặc không hết vấn đề. Bạn có thể thấy nhan nhản mọi nơi những bài viết như: “bài tập giúp giảm mỡ bụng”, “thức ăn giúp tiêu mỡ” hoặc “thực phẩm chức năng giúp tăng cơ/giảm mỡ”, vâng vâng … Thực tế, không có bài tập nào hoặc thức ăn nào có thể giúp bạn giảm mỡ bụng, cũng không có thứ gì có thể làm bạn tự nhiên tăng cơ. Mình cho rằng việc tiếp cận với kiến thức chính xác, các nguyên tắc bất di bất dịch của khoa học thể thao cần phải được phổ cập để người đọc có thể hiểu tận gốc vấn đề và sử dụng các phương pháp hợp lí cho mục tiêu sức khoẻ của riêng họ. Đây cũng chính là mục tiêu của Viet Sport Science, nơi có thể giúp bạn hiểu rõ gốc rễ của những vấn đề bạn muốn tìm hiểu, từ cải thiện vóc dáng, cập nhật kiến thức huấn luyện, cho đến việc phát triển thể chất, khả năng vận động (athleticism) để phục vụ cho những môn thể thao bạn chọn.
Các Bài Viết Tiêu Biểu Về Khoa Học Thể Thao
2018
Series Phát triển các hệ thống năng lượng trong cơ thể **
Phân tích yêu cầu thể lực chung và riêng của từng vị trí thi đấu trong Bóng Đá**
Series Thiết lập chương trình tập luyện sức mạnh
Phát triển thể chất cho Trẻ Em và Thanh Thiếu Niên: Bao giờ và Như thế nào?
2017
Tầm quan trọng của Sức Mạnh trong Bóng Đá?**
Cơ Mông quan trọng như thế nào trong khả năng vận động?
Làm sao để phát triển khả năng Tăng Tốc trong cự ly ngắn?
1 Phương Pháp cải thiện khả năng chạy bền đơn giản, dễ áp dụng nhất cho mọi người?
1 Comment
Xin add một chân cộng tác viên! Mình từng học y học thể dục thể thao và muốn tìm hiểu cũng như cộng tác để có thêm kiến thức trong khoa học thể thao! Thanks add
Sdt: 0984658886 mr Luân hiện đang công tác trong Clb bóng đá Hà Nội với chức danh Bsy đội!